Khởi nghiệp luôn là hành trình đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Năm 2024 được đánh giá có thể là một năm kinh tế không “sáng sủa” hơn năm 2023. Để bước vào năm 2024 với một khởi đầu mạnh mẽ, các Bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch kinh doanh của mình trước khi bắt đầu khởi nghiệp, từ pháp lý, khách hàng tiềm năng, sản phẩm, nguồn lực, địa điểm kinh doanh, chiến lược marketing, quản lý tài chính, chuỗi cung ứng, cho đến cơ sở vật chất. Bạn càng đầu tư thời gian và công sức càng nhiều cho việc lập kế hoạch kinh doanh thì càng dễ dàng và thuận lợi trong quá trình triển khai kế hoạch của mình trong thực tế. Bài viết dưới đây của Trung sẽ là gợi ý cho những Bạn đang muốn viết nên câu chuyện khởi nghiệp của mình trong năm mới
PHÁP LÝ KINH DOANH – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU KHỞI NGHIỆP
Trước khi bắt đầu tìm hiểu về bất cứ ngành nghề nào để chuẩn bị khởi nghiệp kinh doanh, việc đầu tiên Bạn cần làm là đảm bảo doanh nghiệp của bạn tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý. Điều này bao gồm việc đăng ký doanh nghiệp, bảo hộ sở hữu trí tuệ, và tuân thủ các quy định về lao động, thuế. Việc này giúp tránh những rủi ro pháp lý không đáng có và xây dựng nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp.
Để biết Pháp Luật cho phép kinh doanh ngành nghề nào, thì Bạn có thể tra cứu “Những ngành nghề Pháp Luật cấm” để loại trừ ra. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu xem ngành nghề của mình dự định kinh doanh có nằm trong danh mục “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện” hay không, vì nếu bạn khởi nghiệp trong ngành này thì bạn phải có thêm một số giấy phép phụ thì mới có thể hoạt động được. Ví dụ như bạn kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật thì ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh ra, bạn cũng phải có “chứng chỉ hành nghề” theo qui định nhé.
XÁC ĐỊNH AI LÀ KHÁCH HÀNG CỦA BẠN
Thông thường sau khi khởi nghiệp kinh doanh thì trong vòng 3 năm có đến 90% doanh nghiệp phá sản và phải rời bỏ thị trường. Đây là điều rất tiếc nuối của bản thân Trung cũng như nhiều doanh nhân khác. Trong một báo cáo phỏng vấn các doanh nghiệp phải đóng cửa trong vòng 3 năm kể từ khi thành lập, thì có đến gần 40% các chủ doanh nghiệp đều trả lời không biết hoặc chung chung hoặc xác định sai ai là “Khách hàng tiềm năng của mình”.
Hầu hết các Bạn khởi nghiệp ra đều chú trọng nhiều đến sản phẩm của mình trước khi xác định ai là khách hàng của mình, việc này dẫn đến họ càng lúc càng “yêu” sản phẩm của mình hơn và chỉ tập trung nói nhiều về những đặt tính kỹ thuật, cấu tạo hay xuất xứ,… mà quên mất rằng khách hàng là người quyết định mua hàng và họ đang tìm hiểu xem những đặt tính đó của sản phẩm giúp ích được gì cho họ. Điều họ quan tâm thì lại không được đề cập đến vì người chủ chỉ tập trung vào những thông số của sản phẩm mà thôi.
Hiểu rõ khách hàng mục tiêu là chìa khóa cho sự thành công. Dành thời gian nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu và mong muốn của họ. Việc này giúp bạn tập trung nguồn lực vào đúng mục tiêu và xây dựng sản phẩm/dịch vụ phù hợp.
XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ CỦA KHÁCH HÀNG – TẠO RA SẢN PHẨM
Từ việc xác định rõ “khách hàng mục tiêu của bạn là ai” sẽ cho bạn thấy một bức tranh tổng thể về “chân dung khách hàng lý tưởng” của mình. Lúc này bạn sẽ tiến hành phân tích đâu là vấn đề của họ cần, họ mong muốn có được gì thông qua sản phẩm nào đó trên thị trường, nỗi đau nào họ đang gặp phải mà thị trường chưa ai giải quyết được,…. Bạn càng làm bức tranh này càng rõ nét thì khả năng Bạn tìm ra sản phẩm phù hợp nhất cho khách hàng và được sự hưởng ứng ngay khi Bạn ra mắt sản phẩm này.
Sản phẩm/dịch vụ của bạn cần giải quyết một vấn đề cụ thể cho khách hàng. Điều này không chỉ giúp tạo ra giá trị thực sự mà còn tạo điểm khác biệt cho doanh nghiệp bạn trên thị trường.
Bạn có thể xem thêm video mà Trung chia sẻ câu chuyện thực tế về xác định nhu cầu và tìm ra sản phẩm tại VIDEO này
NGUỒN LỰC CỦA BẠN
Khởi nghiệp ngoài Tiền ra thì còn cần đến nhân sự có kỹ năng, mối quan hệ và kinh nghiệm. Việc xây dựng một đội ngũ đa dạng kỹ năng và mở rộng mạng lưới quan hệ sẽ giúp bạn vượt qua những thách thức ban đầu.
1. Tài chính:
Là huyết mạch của mọi doanh nghiệp, quản lý tài chính đòi hỏi sự minh bạch và chính xác. Đầu tư ban đầu cần được lập kế hoạch cẩn thận, với sự cân nhắc giữa chi phí và lợi nhuận dự kiến. Việc lập ngân sách và dự báo dòng tiền giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn tài chính của mình, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý và tránh rủi ro tài chính không đáng có.
Bạn cần phải là một người hiểu các con số, tuy nhiên bạn không cần phải hiểu quá sâu như một “kế toán” mà chỉ cần biết và hiểu những con số dành cho “SẾP” là được. Nếu không hiểu về các con số này thì Trung nghĩ rằng tỷ lệ thành công của bạn khi khởi nghiệp là rất thấp vì người làm Sếp phải hiểu những con số họ cần để đưa ra những quyết định đúng cho doanh nghiệp của mình.
Bạn có thể xem các con số tài chính kế toán dành cho SẾP một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu từ quyển sách “Kế toán vỉa hè” của tác giả Darrell Mullis & Judith Orloff và được anh Trần Thanh Phong dịch một cách “Rất Việt Nam” nhé
2. Con người:
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng và hiệu quả công việc. Một đội ngũ nhân viên tài năng, có kỹ năng và đam mê sẽ là nguồn lực vô giá giúp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân sự cần được chú trọng, tạo dựng một môi trường làm việc tích cực và thúc đẩy sự sáng tạo.
3. Mối quan hệ:
Mạng lưới quan hệ rộng lớn với các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng và cả các doanh nghiệp khác sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều hoàn cảnh. Mối quan hệ tốt đẹp giúp tạo dựng uy tín và thúc đẩy sự tin tưởng, là cơ sở để phát triển các mối quan hệ kinh doanh lâu dài.
4. Kinh nghiệm:
Kinh nghiệm kinh doanh và quản lý là tài sản quý báu, giúp nhận diện và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Kinh nghiệm từ những dự án trước đó, những thất bại và thành công, sẽ là bài học quý giá giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt, tránh lặp lại sai lầm và tận dụng tốt nhất mọi cơ hội.
Tóm lại, nguồn lực trong khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở việc có đủ vốn liếng mà còn phải biết cách quản lý, phát triển nhân sự, mở rộng và nuôi dưỡng mối quan hệ, cũng như tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn. Sự kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa các nguồn lực này sẽ tạo nên sức mạnh, giúp doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức và đạt được thành công trong hành trình khởi nghiệp.
LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH
Lựa chọn địa điểm kinh doanh là một trong những quyết định quan trọng nhất mà người làm kinh doanh phải đưa ra khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Địa điểm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu mà còn phản ánh hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.
Đối với các Bạn “khởi nghiệp bán lẻ”, một vị trí thuận lợi, dễ dàng tiếp cận và có lượng người qua lại lớn sẽ tăng cơ hội thu hút khách hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp dịch vụ có thể ưu tiên các yếu tố như sự thuận tiện, không gian làm việc lý tưởng, và chi phí thuê mặt bằng hợp lý.
Khi lựa chọn địa điểm, cần xem xét các yếu tố như đối thủ cạnh tranh trong khu vực, tính pháp lý của địa điểm đối với loại hình kinh doanh, cũng như cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Đồng thời, việc phân tích kỹ lưỡng về đặc điểm dân cư, thu nhập và xu hướng mua sắm cũng giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn. Một địa điểm lý tưởng không chỉ giúp tối đa hóa doanh thu mà còn góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bền vững.
Ngoài ra, Mạng xã hội cũng là một địa điểm kinh doanh và Bạn cũng cần phải xác định khách hàng của mình đang có mặt trên nền tảng nào thì Bạn cần chuẩn bị nguồn lực để doanh nghiệp của Bạn có thể xuất hiện trên đó.
Bạn có thể tham khảo thêm một quyển sách rất hay nói về “Lựa Chọn Điểm Bán”: Ra Sahara mở quán trà đá của tác giả Minh Phan nhé
Còn tiếp… mời bạn đón xem tiếp Phần 2: Khởi nghiệp 2024 – Cần chuẩn bị những gì?
Nguyễn Quốc Trung