Khởi nghiệp kinh doanh – Họ là những ai?
“Khởi nghiệp kinh doanh” là cụm từ mà tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần trong nhiều năm qua, từ những cuộc trò chuyện với bạn bè, từ sách báo, và từ các kênh mạng xã hội. Có lẽ vì ánh hào quang mà khởi nghiệp mang lại, nhiều người trong chúng ta sẵn sàng đánh đổi tất cả để bắt đầu, mà không nhận ra phía sau đó là vô số khó khăn và u sầu mà chỉ những người đã từng trải qua mới hiểu rõ.
Bạn chắc cũng đã thấy những báo cáo chỉ ra rằng, có tới 90% doanh nghiệp không sống qua sinh nhật lần thứ ba và 95% không kịp ăn mừng sinh nhật lần thứ năm. Sự thật là, khởi nghiệp không chỉ đơn giản là mua và bán; nó còn bao gồm nhiều công việc khác mà bạn bắt buộc phải học hỏi và trao dồi kiến thức trong suốt quá trình kinh doanh. Trải qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, từ lớn đến nhỏ, tôi đã nghe nhiều câu chuyện của họ và nhận ra rằng, những người khởi nghiệp thường được chia thành các nhóm như sau:
1. Nhóm khởi nghiệp từ những người làm nghề
Đây là những người có chuyên môn giỏi trong một lĩnh vực nào đó mà họ đã được đào tạo, ví dụ như bác sĩ, giáo viên, kỹ sư hay thợ lành nghề. Sau nhiều năm làm việc, họ có được lượng khách hàng quen thuộc và tin tưởng. Khi khách hàng ngày càng nhiều, họ quyết định thành lập doanh nghiệp để kinh doanh trong lĩnh vực của mình.
Ở Việt Nam, bạn có thể thấy rất nhiều người thuộc nhóm này; tuy nhiên, họ chỉ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn, còn về kinh doanh thì họ thiếu kiến thức quản trị, marketing, bán hàng, và nhiều yếu tố khác để vận hành doanh nghiệp một cách bền vững. Những doanh nghiệp này thường có quy mô vừa và nhỏ vì trong phạm vi đó, họ có thể kiểm soát được. Tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp này khá cao, nhưng khó có thể phát triển thành công ty lớn nếu người chủ không trang bị thêm kiến thức hoặc tìm kiếm những người đồng hành trong các bộ phận chuyên môn khác.
2. Nhóm khởi nghiệp từ những người đi làm công nhận lương
Những người này thường làm việc cho một công ty nào đó, chủ yếu trong bộ phận bán hàng. Họ tiếp xúc với nhiều khách hàng mỗi ngày, dần dần xây dựng được mối quan hệ thân tình. Sau một thời gian làm việc, họ nhận ra rằng mình có khả năng rời bỏ công ty để tự lập doanh nghiệp riêng, dựa trên các mối quan hệ sẵn có, kiến thức về sản phẩm và sự thông thạo thị trường.
Những người này rất năng nổ trong việc bán hàng và công ty thường tăng trưởng tốt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, họ thường yếu kém trong quản lý, kế toán và phát triển sản phẩm. Kinh doanh không chỉ đơn thuần là mua bán, nên tỷ lệ thất bại của nhóm này khá cao sau một thời gian nếu không tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc vận hành.
3. Nhóm khởi nghiệp từ những người có đam mê và sở trường đặc biệt
Đây là những ca sĩ, họa sĩ, hay những người có năng khiếu bẩm sinh, với nhiều người hâm mộ và yêu thích. Sau một thời gian theo đuổi đam mê, họ muốn biến đam mê thành sự nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp để kinh doanh, huấn luyện người khác trong lĩnh vực đó.
Bạn có thể thấy nhiều ca sĩ mở công ty dạy thanh nhạc, họa sĩ mở cửa hàng bán dụng cụ mỹ thuật, hoặc đầu bếp mở trường dạy nấu ăn. Họ biến đam mê thành sự nghiệp. Nếu thành công, họ là những doanh nhân hạnh phúc nhất, vừa thỏa mãn đam mê vừa có thể tạo ra tài chính. Tuy nhiên, để thành công, họ cần những người biết kinh doanh và vận hành, trong khi họ tập trung vào chuyên môn để thăng hoa cùng đam mê.
4. Nhóm khởi nghiệp từ những người quan sát thị trường để tìm ra nhu cầu
Nhóm này thường là những người kinh doanh theo xu hướng. Ở Việt Nam, bạn có thể thấy rất nhiều doanh nhân tỷ phú như Phạm Nhật Vượng của Vingroup. Họ đánh giá thị trường và nắm bắt xu thế để bắt đầu kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Trong nền kinh tế thuận lợi, họ phát triển mạnh mẽ và liên tục mở rộng. Tuy nhiên, khi kinh tế suy giảm, họ là những người bị ảnh hưởng nhanh nhất và nhiều nhất. Nhóm này đòi hỏi phải liên tục thích nghi với thị trường để có thể điều chỉnh kinh doanh kịp thời.
Đây là nhóm có tỷ lệ thành công cao nhất. Mặc dù họ có thể thất bại nhiều lần, họ cũng sẽ khởi nghiệp nhiều lần. Mỗi khi nắm bắt được nhu cầu của thị trường, họ lại bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực đó.
5. Nhóm khởi nghiệp từ những người thấy người khác làm nên thích làm theo
Trong năm nhóm khởi nghiệp, đây là nhóm dễ thất bại nhất. Họ thường quan sát thành công của người khác và nghĩ rằng mình cũng có thể làm được. Tuy nhiên, đa phần trong số họ chỉ nhìn thấy “màu hồng” của thành công mà không nhận ra những khó khăn tiềm ẩn trong kinh doanh.
Tỷ lệ thất bại của nhóm này rất cao và chiếm đa số trong năm nhóm. Họ “đứng núi này trông núi nọ” và ít khi tự đánh giá kỹ năng hoặc thị trường một cách khách quan.
Bài viết này là những nhìn nhận cá nhân của tôi, có thể đúng hoặc không đúng với một số bạn đọc. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng bất kỳ ai muốn khởi nghiệp thành công đều phải hiểu rằng kinh doanh không đơn thuần chỉ là mua bán. Nó còn bao gồm quản lý, bán hàng, marketing, vận hành, chăm sóc khách hàng, và xử lý các vấn đề phát sinh.
Hành trình khởi nghiệp của tôi cũng được chia sẻ trong cuốn sách đầu tay “Marketing bán lẻ đa kênh – 9 bí quyết tiếp thị tinh gọn tạo ngay dòng tiền“. Đây là hành trình mà tôi cũng từng nghĩ sẽ chỉ có “màu hồng” trước khi bắt đầu khởi nghiệp, nhưng sau đó tôi đã phải trả giá bằng tiền bạc, sức khỏe và những mối quan hệ quý giá.
Bạn có thể đọc sách TẠI ĐÂY để rút ra kinh nghiệm cho mình trước khi khởi nghiệp.