Gặp gỡ anh Hoàng Nam Tiến, một trong những lãnh đạo tiên phong của FPT, đã mở ra cơ hội hiếm có để tôi học hỏi và tiếp thu những bài học lãnh đạo quý báu. Buổi giao lưu thân mật không chỉ là dịp để chia sẻ kinh nghiệm mà còn là cơ hội để ngẫm nghĩ sâu sắc về những nguyên tắc cốt lõi đưa FPT trở thành biểu tượng thành công trên trường quốc tế. Trong bài viết này, tôi chia sẻ những bài học giá trị mà tôi nhận được từ buổi giao lưu cùng anh Tiến và tôi nghĩ rằng những bài học đó cũng rất cần thiết cho mỗi người chúng ta, đặt biệt là các anh chị đang làm chủ công việc kinh doanh của mình
Như các bạn đã biết thì tập đoàn FPT giờ đây đã trở thành tập đoàn toàn cầu và đa ngành, là một niềm tự hào của quốc gia và mỗi con người Việt Nam. Doanh nghiệp nào cũng vậy, cũng đều xuất phát từ một quy mô nhỏ, rồi dần dần lớn lên và tiến ra biển lớn. Điểm khác biệt thành công của FPT là ở tầm nhìn và khát khao của người lãnh đạo – Anh Trương Gia Bình và anh Hoàng Nam Tiến.
Để một người lãnh đạo thành công thì bản thân người đó cần phải rèn luyện tạo cho mình đủ 4 yếu tố quan trọng: Chính Trực, Nhìn xa trông rộng, Trí tuệ và Tư duy vượt ngưỡng. Bốn yếu tố này luôn được anh Tiến trao dồi mỗi ngày và truyền tư duy này cho tất cả các đội ngũ lãnh đạo từ trên xuống dưới của tập đoàn. Vì nếu tập thể lãnh đạo, nhân viên không thông suốt cùng tư duy với nhau thì khó lòng mà phát triển được.
Hãy trở thành nhà LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỰC
Anh Tiến đã kể cho tôi các câu chuyện thực tế đã diễn ra tại FPT, lãnh đạo chính trực là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhân viên vì họ là tấm gương tốt mà mọi người cần phải noi theo, họ sẽ cảm thấy an tâm và gắn bó lâu dài. Lãnh đạo chính trực là một người luôn thực hiện lời hứa của mình đối với người khác.
Câu chuyện anh Tiến kể cho tôi bài học giữ chân nhân tài trong FPT, khi mà các chuyên gia của FPT bị thu hút bởi một tập đoàn lớn mạnh khác đang lấn sân vào mảng công nghệ và họ muốn quy tụ các chuyên gia cao cấp đã có nhiều kinh nghiệm về để hoàn thành dự án của mình một cách nhanh chóng nhất. Anh nói thời điểm đó FPT trả lương chuyên gia bao nhiêu thì tập đoàn ấy lấy tiêu chuẩn đó trả lương nhân lên 3 lần.
Đứng trước bài toán hàng loạt kỹ sư ồ ạt nộp đơn xin nghỉ để qua môi trường mới có thu nhập cao hơn, câu nói của nhân sự mà anh Tiến thời điểm đó nhận được là: em rất quý anh và công ty, nhưng em cũng còn gia đình, cũng mong muốn có nhà riêng và lo cho gia đình đầy đủ hơn. Nên qua tập đoàn kia thì em tính toán 4 năm em sẽ tích lũy được khoản hơn 2.5 tỷ để mua được căn chung cư cho gia đình mình, thay vì ở nhà thuê như hiện tại. Đứng trước bài toán đáp ứng những nguyện vọng của phần lớn các chuyên gia, anh Tiến đã cùng ban lãnh đạo tập đoàn ngồi lại phân tích tìm ra giải pháp.
Anh kể lại lúc đó khoảng 400 chuyên gia xin nghỉ việc vì muốn có được căn hộ cho gia đình mình với mức kinh phí khoản 2,5 tỷ đồng, thì số tiền bỏ ra đâu đó gần 1.000 tỷ đồng để mua được 400 căn hộ thời điểm đó. Đối với đa phần chúng ta, con số 1.000 tỷ đồng là một con số cực kỳ khổng lồ, nhưng đối với FPT thì đó chỉ là con số nhỏ, mà lại chia ra trong 4 năm nữa thì lại không đáng là bao so với qui mô công ty hiện tại. Rồi anh và ban lãnh đạo tập đoàn đã ký cam kết với 400 chuyên gia xin nghỉ việc là công ty sẽ ứng trước tiền để họ mua nhà ngay thời điểm đó, thay vì đợi tích lũy đến 4 năm, nhưng đổi lại, họ phải làm ký cam kết làm việc trong suốt 4 năm và phải cam kết hiệu quả công việc mang lại tương xứng. Hành động này đã giúp FPT giữ chân được 400 nhân tài của mình và tạo ra giá trị lợi nhuận khổng lồ từ 400 chuyên gia này. Mặc khác, nếu họ từ bỏ FPT mà đến với tập đoàn kia theo lời hứa nhân 3 lần thu nhập, đến khi 4 năm, liệu rằng họ có đủ tích lũy mua được nhà hay không, vì giá nhà lúc đó cũng đã tăng lên hoặc theo hành vi thì con người có nhiều tiền lại càng tiêu xài nhiều hơn.
Bài học ở đây Tôi không có ý định muốn gửi đến các bạn rằng phải có thật nhiều tiền để sử dụng cách mà tập đoàn FPT đã làm như câu chuyện ở trên. Bài học ở đây là tôi muốn gửi đến các bạn hãy trở thành nhà lãnh đạo chính trực, thực hiện những lời hứa của mình với nhân viên, một khi đã hứa thì chúng ta phải thực hiện. Hầu hết các lãnh đạo công ty thất bại là do họ vẽ một bức tranh quá to, quá xa vời và hứa trên viễn cảnh bức tranh tương lai đó đến cho nhân sự mình. Dẫn đến nhân sự thấy rằng đó là lời hứa viễn vong hoặc cho rằng mình không đủ thời gian để chờ đến lúc điều đó trở thành hiện thực để gắn bó với công ty.
Kết thúc phần này, anh Tiến quay qua tôi và nhắc lại tôi một câu mà anh chia sẻ trong buổi tọa đàm lúc chiều “trong sự thành công của công ty mà nhân sự không thành đạt thì nhân sự đó hãy rời công ty đi vì điều đó không xứng đáng”
Lãnh đạo phải có TẦM NHÌN XA TRÔNG RỘNG
Yếu tố lãnh đạo thứ 2 đó là phải có tầm nhìn xa – trông rộng. Vì FPT có tầm nhìn xa, vươn tầm Việt Nam rồi vươn ra quốc tế từ những ngày đầu thành lập. Điều này các bạn thường thấy những bài chia sẻ của anh Tiến hay anh Bình trên các báo đài, đa phần đều thể hiện rất rõ tư duy nhìn xa trông rộng này. Tuy nhiên, anh Tiến nói rằng báo đài đưa tin chỉ một, còn ở FPT tụi anh truyền thông gấp ngàn gấp vạn lần báo đài đến cho từng nhân viên. Vì anh biết rằng, để lãnh đạo có thể thực hiện tiến đến tầm nhìn đó thì không thể thiếu được đồng đội của mình, mà đồng đội phải cùng tầm nhìn, cùng ý chí, cùng tay chèo về một hướng thì doanh nghiệp mới có thể tiến tới được. Nếu tầm nhìn chỉ dừng lại ở trong tâm tưởng người lãnh đạo doanh nghiệp mà không truyền đến cho từng nhân sự, thì giống như một chiếc thuyền mà mỗi thuyền viên hay thuyền trưởng mạnh ai nấy đi về hướng riêng của mình.
Ngoài tầm nhìn ra thì lãnh đạo còn phải biết trông rộng, nghĩa là bản thân phải có khả năng trông thấy những vấn đề bao quát, đâu là những thuận lợi, đâu là những khó khăn mà hành trình đang đi sẽ gặp phải để có bước chuẩn bị ứng phó những khó khăn và tận dụng các cơ hội. Trong phần này thì anh Tiến tâm sự, hầu hết, các chủ doanh nghiệp Việt Nam mình đều xuất thân đi lên từ nghề, họ là những người chuyên gia giỏi và bước vào con đường kinh doanh, nên đa phần họ đều rất thiếu kiến thức trong kinh doanh và tầm nhìn xa trông rộng của họ cũng bị hạn hẹp, do đó họ thiếu khả năng thích ứng và không có kế hoạch ứng phó với những gì xảy đến trong quá trình kinh doanh. Anh muốn FPT sẽ là một động lực, một tấm gương để họ có thể nhìn và học tập nâng cao kiến thức của mình hơn.
Lãnh đạo phải có TRÍ TUỆ
Yếu tố Trí tuệ, đây có lẻ là phần anh chia sẻ nhiều nhất trong buổi hội thảo và trong buổi cơm thân mật đó. Đa phần người chủ doanh nghiệp đang làm theo bản năng của mình và đúc kết kinh nghiệm từ những bài học thực tế họ trải qua. Có nhiều con đường mang lại kết quả mà mình mong muốn, có thể bạn tự học, tự trải nghiệm và đúc kết cho mình trong qua trình làm việc, trãi nghiệm, để rồi sau vài năm bạn sẽ có được một doanh nghiệp ổn định như mình mong muốn, thứ mà bạn phải trả giá cho việc đó là thời gian, công sức và thậm chí có những khoản mất mát về tinh thần và tiền bạc do thất thoát hay lãng phí lớn.
Cũng có một cách khác nữa là đi học tập kinh nghiệm từ những người thành công khác, thứ bạn phải trả cho họ là một khoản tiền và nhận lại những kiến thức giúp bạn rút ngắn được thời gian, tiết kiệm công sức, tiền bạc để sớm có được một doanh nghiệp mong muốn; việc trả tiền cho một chuyên gia nào đó để học tập kinh nghiệm từ họ là việc hiển nhiên, vì bạn nên biết rằng người chuyên gia đó để có câu chuyện và kiến thức tư vấn cho bạn, thì họ cũng đã đánh đổi rất nhiều.
Anh Tiến rất trăn trở trong nội dung chia sẻ này, vì bản thân anh Tiến và anh Bình là những con người rất hiếu học, anh bỏ ra số tiền rất nhiều cho việc học của bản thân, số tiền đó, có lẽ nhiều người trong chúng ta dành cả đời làm việc cũng chưa tích góp được. Mà phần đông ngoài kia, nhiều người còn đang thờ ơ với việc đi học để phát triển bản thân, từ đó rút ngắn hành trình sự nghiệp của mình và đạt được kết quả vượt kỳ vọng.
Anh tâm sự có nhiều giám đốc công ty khác tìm đến anh xin lời khuyên, thì anh bảo hãy đi học đi và hãy cho đội ngũ của mình đi cùng, nhưng phần lớn trong số họ thì vẫn bảo thủ, xin lời khuyên rồi để đó; có một số ít thì chủ doanh nghiệp đi và ép buộc nhân viên đi học theo mình, mà không truyền được lý do cần thiết cho việc học, dẫn tới nhận được câu trả lời của nhân viên rằng “anh muốn – chứ em đâu cần”.
Trí tuệ là một yếu tố quan trọng giúp FPT vươn lên tầm quốc tế và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. Trong môi trường cạnh tranh như hiện tại thì không có ngành nào mà không có sự cạnh tranh, việc hơn thua nhau bây giờ không còn quá đặt nặng về sản phẩm nữa mà hơn thua nhau bây giờ là khả năng thích ứng và đón nhận cơ hội của mỗi người lãnh đạo như thế nào trong bối cảnh biến động liên tục.
Nâng cấp TƯ DUY VƯỢT NGƯỠNG
Đây là yếu tố mà tôi cũng cho rằng rất hay và cần thiết để có một công ty thành công. Đối với người làm chủ kinh doanh mà muốn công ty mình trở nên vượt trội, thì người đó phải có tư duy vượt ngưỡng này. Sử dụng tư duy vượt ngưỡng để tạo ra sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong kinh doanh, không chấp nhận với kết quả hiện tại mà luôn có ý thức rằng sẽ còn điều tuyệt vời hơn nữa phía sau đó.
Lãnh đạo có tư duy vượt ngưỡng này sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn những người khác, và đó là yếu tố để tạo động lực cho nhân sự cấp dưới nhìn theo và học tập. Rồi dần dần cả tập thể công ty sẽ có cùng tư duy vượt ngưỡng, lúc đó công ty sẽ trở nên khác biệt và trở thành số một trong lĩnh vực của mình. Ở FPT, điều này rất dễ thấy được thông qua cách làm việc của từng nhân viên, dù họ làm ở nhà thuốc Long Châu, FPT Shop hay các công ty phần mềm, viễn thông thành viên. Một sự nỗ lực hoàn thành công việc được nâng lên tối đa và đạt được nhiều kỷ lục mới.
Có một sự kiện mà các bạn cũng thấy được trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán 2020 – 2021 dẫn đến hệ thống giao dịch chứng khoán liên tục bị ngẽn lệnh khiến nhiều nhà đầu tư không nắm được thông tin giao dịch mua bán của mình.Trong trường hợp này, Nếu chờ chuyên gia nước ngoài đến xử lý thì cũng mất đâu đó tầm 6 tháng, nhưng lại ngay giai đoạn dịch Covid-19 nên mọi việc khó khăn lại càng khó khăn, thời gian sẽ mất dài hơn nhiều vì chuyên gia không thể đến được do dịch đang căng thẳng toàn cầu. Lúc ấy sứ mệnh đặt vào được phát động và nổ lực vượt ngưỡng ấy đã mang về thành công vĩ đại cho FPT giai đoạn đó. Anh Tiến nói rằng tinh thần ở FPT mà chủ tịch Trương Gia Bình của bọn anh luôn hướng tới đó là: Cuộc chiến càng khó khăn,càng lý thú thì con người FPT lại càng tỏa sáng.
Bài học của tôi và cũng của các bạn
Bài học về bốn yếu tố nhà lãnh đạo cần có của anh Hoàng Nam Tiến tôi chia sẻ ở trong bài viết này cũng là thay lời anh Tiến nhắn nhủ gửi gắm đến thế hệ lãnh đạo trẻ chúng ta là một tương lai đất nước, nếu mọi chủ doanh nghiệp đều phát triển cho mình bốn yếu tố này thì đất nước sẽ có thêm những công ty tầm cỡ vươn xa quốc tế và cũng có thêm nhiều doanh nhân vĩ đại.
Và cuối cùng là lời nhắn nhủ của tôi gửi đến các bạn đã lắng nghe đến giây phút này, rằng trước khi FPT trở thành doanh nghiệp siêu lớn thì họ cũng đã từng là một doanh nghiệp nhỏ như chúng ta hiện tại, họ đã xây dựng được văn hóa lãnh đạo với 4 yếu tố Chính Trực – Nhìn Xa trông rộng – Trí tuệ và tư duy vượt ngưỡng nên họ có được thành công như ngày hôm nay. thì chúng ta cũng có thể học tập và rèn luyện cho mình để xây dựng phát triển doanh nghiệp. có thể để to lớn như FPT thì rất khó, nhưng tôi nghĩ rằng nếu tôi và bạn xây dựng được cho mình các yếu tố này thì chúng ta sẽ có một doanh nghiệp mà mình xứng đáng tự hào
Nguyễn Quốc Trung